Rượu tỏi Tây Tạng xưa kia được xem là phương thuốc trường sinh, chống nhiều bệnh tật, nhưng tam sao thất bổn nên chưa thấy tài liệu chính thức nào nói công thức chế biến và cách dùng rượu tỏi.
Tuy nhiên Viện ung bướu Houston và BV Anderson ở Texas cũng đã thử nghiệm hợp chất chứa lưu hùynh của hành và tỏi thì thấy có tính ngừa ung thư ở ruột. Trên thị trường, hiện nay có khá nhiều chế phẩm từ tỏi đơn thuần hoặc kết hợp với nghệ, sinh tố dùng tăng cường hệ miễn dịch, trị các bệnh nhiễm trùng đường huyết, phòng bệnh ung thư, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, cao cholesterol.
Tỏi tác động lên sức khỏe như thế nào?
Tính kháng sinh của tỏi
Từ xa xưa, các nhà thực vật học cả Tây Phương lẫn Á đông đã dùng tỏi trị nhiều lọai bệnh: Người Ai Cập thời Pharaon dùng tăng cường sinh lực, người Hy Lạp dùng nhuận tràng, người Trung Hoa dùng làm thuốc hạ huyết áp. Các chuyên gia y tế Trung Quốc đã nghiên cứu và cho biết ăn tỏi giúp cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể, ngăn ngừa ung thư và chống lão hóa, giúp giảm béo do làm tan lớp mỡ thừa, tăng khả năng tình dục.
Thời Trung Cổ, tỏi được dùng với số lượng lớn trị bệnh dịch hạch. Đến thế kỷ 19, Louis Pasteur là người đầu tiên chứng minh các đặc tình kháng sinh của tỏi. Từ đó tỏi được trang bị trong quân đội các nước Anh, Đức, Nga vào đầu thế kỳ 20 trong thế chiến thứ nhất. Từ đó tỏi mới được nghiên cứu đầy đủ trong lĩnh vực điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, nhiễm virus và ký sinh trùng. Trong thảo dược, ngày nay tỏi vẫn còn được tiếp tục dùng trong điều trị cảm cúm, và các bệnh nhiễm trùng khác.
Tỏi chứa các yếu tố kháng khuẩn, kháng virus và kháng nấm mạnh. Điều đó được chứng minh trong việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn đường âm đạo và nhiễm khuẩn tai. Trong một vài trường hợp, tỏi cũng tỏ ra hiệu quả trong các bệnh nấm tổng hợp. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chứng minh rằng tinh chất tỏi có thể trung hòa được tác dụng của Helicobacter pylori, nguyên nhân gây phần lớn bệnh loét dạ dày.
Các nghiên cứu khoa học về Tỏi
Trên 500 nghiên cứu về tỏi đã được công bố trên các tập san y học từ thập niên 80 đa số dựa vào cấu trúc lưu huỳnh trong hoạt chất allicin trong nhiều phản ứng hóa học. Allicin không hiện diện trong tỏi tươi mà chúng xuất hiện khi đập vỡ các tế bào tỏi hoặc xắt mỏng, nấu chín. Ajòene, sulfur allyl, sulfoxyd allylcystein và các sản phẩm khác từ allicine đã kết hợp tạo ra các hiệu quả chống ung thư, chống máu đông, chống cao huyêt áp, chất chống oxy hóa và làm hạ lượng cholesterol xấu trong máu. Allicin là một hợp chất không ổn định vì thế nên các thuốc viên chứa tinh chất tỏi cần được bảo vệ để chống lại tác động acid của dịch vị làm hủy hoại chất allinase ngăn cản allicine được phóng thích. Vì vậy thuốc phải được bọc gelatin để chỉ tan trong ruột, môi trường ít acid hơn.
Tỏi và bệnh tim mạch
Tỏi hữu ích cho tim. Ajòene, một chất được tạo ra từ allicin, có thể làm giảm các cơn đau tim bằng cách ngăn sự hình thành các cục máu đông. Y học cổ truyền dùng tỏi ngâm rượu gạo 40o trong 10 ngày để chữa trị bệnh cao huyết áp.
Tỏi và ung thư
Các nghiên cứu mở ra hy vọng trên lĩnh vực ung thư đối với tỏi sống hoặc nấu chín. Một nghiên cứu phân tích cho thấy tiêu thụ trung bình 6 củ tỏi hoặc hơn mỗi tuần làm giảm 30% nguy cơ ung thư ruột kết và 50% ung thư dạ dày. Nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt có thể giảm xuống theo một nghiên cứu của Viện Quốc gia Ung thư tại Thượng Hải đã ước tính có thể giảm đến 50% nguy cơ. Tuy nhiên, hiện nay chưa có sự nhất trí vể số lượng tỏi phải dùng để đạt được tác dụng chống lại ung thư cũng như giá trị giữa tỏi nấu chín hoặc tỏi khô. Dù vậy, có sự nhất trí về việc muốn phóng thích hết khả năng điều trị, tỏi cần được băm vằm, nghiền nát rồi để trong 10 phút trước khi đun nấu. Điều đó sẽ gia tăng khả năng phóng thích allicin và các hợp chất của chất này.
Các phản ứng khó chịu do tỏi gây ra
Tỏi làm cho hơi thở có mùi hôi. Cây ngò tây có thể làm giảm mùi khó chịu này nhờ chứa một hàm lượng cao chất diệp tục tố. Tỏi sống cũng có thể gây nên một vài khó chịu trong việc tiêu hóa. Sự tiếp xúc trực tiếp có thể gây kích ứng da và màng nhày. Cuối cùng tỏi cả thiên nhiên lẩn dưới dạng viên nén có thể làm gia tăng tác dụng của những thuốc làm lõang máu, chống đông máu.
Như vậy tỏi là một thực phẩm chức năng mang lại nhiều yếu tố bảo vệ sức khỏe trong đó có cả hỗ trợ việc điều trị các bệnh lão suy như ung thư, tim mạch. Tuy nhiên chưa đủ cơ sở khoa học để nói rằng cồn tỏi trị được bệnh ung thư.
Theo_Thucphamvadoisong
- Tỏi làm đẹp da
- Tỏi chống viêm xương khớp
- Tỏi có công dụng rất tốt cho bà bầu
- Tỏi diệt trừ ốc Sên
- Công dụng làm đẹp của tỏi
- Tác dụng của tỏi ngâm mật ong
- Tác dụng của tỏi đối với nam giới
- Tác dụng của rượu tỏi
- Những điều cần lưu ý khi dùng tỏi – Tác dụng thần kì của tỏi
- Khám phá công dụng từ tỏi
- Tỏi – kháng sinh từ thiên nhiên
- Khám phá về tác dụng chữa bệnh của hành và tỏi
- Một số tác dụng khác của tỏi
- Những tác dụng “thần kỳ” từ củ tỏi